“Mất 2 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách im lặng”, nếu không nói được lời tử tế thì tốt nhất hãy im lặng. Nếu bạn đang hoàn thiện phong cách đối nhân xử thế, hãy lưu ý 5 điều dưới đây để khiến đối phương “mát lòng mát dạ”. Lời dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” chưa bao giờ là thừa
Không xuất khẩu cuồng ngôn
Từ trước tới nay, những người ngông cuồng chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp, kẻ thông minh là người biết tránh xa hai chữ “kiêu ngạo”. Người điềm đạm luôn được mọi người xung quanh tôn trọng, quý mến, còn người ra vẻ “ta đây” dù thành tựu nhưng vẫn có khối người ghét bỏ.
Có câu, núi cao còn có núi cao hơn, bạn giỏi cũng sẽ có người giỏi hơn. Hãy luôn giữ cho mình sự khiêm tốn, như biển lớn luôn hạ mình thì trăm sông mới hội tụ.
Không nói xấu sau lưng người khác,
Những người nói xấu sau lưng người khác là những người… luôn đứng sau người khác. Xích mích, ganh ghét, đố kỵ là những “gia vị” không thể thiếu trong đời sống. Thành thật mà nói, khi con người ta ghen tị với thành quả của người khác thì mới đi nói xấu, nhằm hạ uy tín của họ trong mắt người xung quanh và để cầm chừng cơn đố kỵ trong thâm tâm mình.
Nếu bản thân tài giỏi hơn thì chả việc gì phải thốt ra những lời vô bổ như vậy. Thế nên nói xấu người khác không làm bạn tốt lên mà là “mỏ neo” mãi mãi giữ chân bạn, cản trở con thuyền cuộc đời của bạn ra biển lớn mà thôi.
Không nói lời vô căn cứ
Tín là một phần trong ngũ thường của Nho giáo, là một trong 5 đức tính cao quý của con người. Khi nói ra điều gì là phải chính xác hoàn toàn, không thêm không bớt. Ở bất kì xã hội nào, chả ai muốn gần gũi những kẻ ăn không nói có, bởi những lời kẻ ấy nói ra có độ tin cậy rất thấp, thực giả lẫn lộn, hơn nữa họ còn biết được rằng trước sau gì mình cũng là nạn nhân của kẻ đó.
Sẽ dính dáng đến luật pháp nếu xuất khẩu vô căn cứ, vu khống người khác. Vì vậy, hãy là người “nói có sách, mách có chứng”, có vậy mới tạo uy tín, nâng cao giá trị bản thân trong mắt người đời.
Không nói lời cay độc
“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Làm người phải nhân hậu, không nói những lời tuyệt tình, vô đạo đức. Dẫu người đời có làm ta phải bực dọc, vẫn biết là rất khó nhưng ta vẫn nên “sàng lọc” ngôn ngừ, tránh buông lời cay độc, nếu không sẽ làm tổn thương người khác và tích tụ nghiệp khẩu cho mình, làm phước phần hao tổn. Tôn trọng, bao dung người khác chính là tạo phúc cho chính bản thân mình.
Lời đã nói giống như viên đạn đã bay khỏi nòng súng, có thể “xoáy sâu” vào tâm hồn của người khác và “hạ gục” chính bản thân mình. Vì vậy phải nên tự học cách nói lời tử tế, nói lời chân thật, nói lời xây dựng, nói lời yêu thương để có được một đời an nhiên.
Không tiết lộ bí mật
Khi một ai đó quyết định bộc bạch chuyện thầm kín cho chúng ta, thì họ đã xem chúng ta là người quan trọng, tín nhiệm vô cùng. Ấy thế mà mình lại đem câu chuyện ấy đi thuật lại cho người khác, chẳng khác nào đâm một nhát chí mạng vào sau gáy họ. Đây quả thực là một hành động thiếu nhân cách.
Khi tập thể, công ty “chọn bạn gửi vàng” để cùng họp, nêu ý kiến cho một dự án sắp tới. Tuyệt đối không được “hé răng” với người ngoài. Rất có thể đối thủ cạnh tranh sẽ nắm được thông tin mật và có biện pháp “nẫng tay trên”. Công việc nhờ giữ bí mật mà thành, thông tin mật là yếu tố tác động phần nhiều đến thành bại của kế hoạch.
Dù cá nhân hay tập thể, việc tiết lộ bí mật không chỉ là vấn đề tiết tháo hay nhân phẩm của cá nhân mà có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với người khác.