Quan niệm tìm một thế đất tốt có thể sinh phúc khí, tài vượng, bình an cho bản thân và con cháu đời đời là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy không thể không thừa nhận 4 quan điểm sau đây.
Hành sự bất chính, ắt có tai ương
Gieo nhân nào, gặt quả ấy là quy luật không thể tách rời trong kiếp nhân sinh. Sống trên đời nếu thường xuyên làm điều bất chính, tất sẽ gặp báo ứng. Trong xã hội, có nhiều người sống vô đạo nhưng vẫn ăn sung mặc sướng, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Không lẽ nhân quả lại bỏ sót chăng? Thật không phải vậy, hiện tại khí số của những người này đang vượng, một khi phước đức tiêu tan, họ sẽ phải gánh chịu kết cục thảm khốc mà mình đã gây ra. Thần phật, tổ tiên cũng chẳng thể nào dẫn dắt, huống gì là phong thủy.
Hiếu đạo mẹ cha, phong thủy hài hòa, gặp hung hóa cát
Theo quan điểm nhiều tôn giáo, đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức căn bản, là tiêu chuẩn và thước đo giá trị của một con người. “Nhị thập tứ hiếu” Tăng Tử – học trò xuất sắc của Khổng Tử có câu “Có ba điều hiếu, đại hiếu là tôn trọng cha mẹ, thứ đến là không làm nhục cha mẹ, thấp nhất là nuôi được cha mẹ”.
Hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người. Đức phật từng giảng, những gia đình có con cái hiếu thuận, công đức thật lớn lao vô cùng, phúc đức vô biên. Nếu muốn tu thân tích đức thì việc đầu tiên cần làm chính là báo trọn chữ hiếu với đấng sinh thành. Trời cao có mắt, khi một người hiếu kính với cha mẹ thì phúc khí cao dày, phong thủy trở nên hài hòa, công thành danh toại.
Sát sinh khiến vượng khí “bốc hơi”
Phong thủy tốt là nơi hội tụ sinh khí. Việc sát sinh làm quả cân âm dương lệch hướng, khiến âm thịnh dương suy, thế thì còn gì gọi là đắc địa, là phong thủy? Nơi “chứa” nhiều sát khí được coi là nơi có phong thủy xấu, sẽ khiến gia chủ nhà hay sinh bệnh, gặp chuyện bất trắc và tích tụ ác niệm ác nghiệp. Các thầy địa lí trong trường hợp này, hẳn cũng lắc đầu ngán ngẫm.
Ngừng tranh đua với đời
Không tranh đua với đời không có nghĩa là không hoàn thiện bản thân. Mà là trong quan hệ với người đời, nên hạn chế tối đa việc tranh giành quyền lợi. Đời người muôn màu muôn vẻ, việc xảy ra mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, nếu biết cách nhẫn nhìn thì “biển yên sóng lặng”. Thay vì tranh chấp với người đời, hãy cạnh tranh với chính bản thân mình. Có vậy mới trở nên quang minh chính trực, phong thủy cũng vì thế mà thay đổi theo hướng tích cực.
Suy cho cùng, gốc của phong thủy chính là tâm. Một người có tấm lòng thiện lương sẽ được tam giới chứng giám, hậu thuẫn đời đời. Để dưỡng phong thủy, tốt nhất là nên tự bồi dưỡng tâm phúc của mình. Người xưa có câu “Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích”