Tứ linh là 4 con vật trong thần thoại của một số nước Đông Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bao gồm : Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (phượng hoàng). Những con vật này có nguồn gốc từ 4 linh thần: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, được người xưa sáng tạo dựa trên các chòm sao. Các linh thần này dựa trên 4 nguyên tố cấu tạo nên trời đất: Đất, nước, lửa, gió.
1. Long (Rồng)
Rồng đứng đầu trong tứ linh, đại diện cho quẻ Chấn, mang lại dương khí, sự quật khởi, ý chí, thịnh vượng và quyền lực. Bậc đế vương ngày xưa lấy Rồng làm biểu tượng của sự quyền lực tối cao, “thiên tử” – con trời, bất kể điều gì cũng gắn với “long”, chẳng hạn như: Long nhan, long ỷ, long thai… Điều này cho thấy Rồng đã đạt đến cảnh giới cao nhất của sự quyền quý.
Rồng phổ biến ở cả châu Âu, nhưng chỉ là về sức mạnh, người ta xem nó là loài không có thật, không có tí danh xưng gì với đời sống của họ cả. Thậm chí nó là loài ác thú, có những anh hùng diệt rồng để đem lại yên bình cho xã hội.
Ở nước ta, Rồng là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết con rồng cháu tiên và ăn sâu vào thâm thức con dân Việt. Nền văn hóa lúa nước lâu đời, lấy rồng làm chỗ dựa tinh thần để mong muốn làm chủ nguồn nước, mùa màng tươi tốt. Hơn nữa, những địa danh quan trọng cũng lấy rồng làm tên gọi: Lý Thái Tổ – Công Uẩn lấy Thăng Long đặt tên cho kinh đô; vịnh hạ Long, sông Cửu Long…
Nhiều Triều đại Vua chúa ở nước ta đã thay đổi hình tượng rồng đề phù hợp với xã hội cũng như tránh xa cái bóng Trung Hoa.
Theo phong thủy, rồng là hình tượng của những điều tốt lành, may mắn, thuận lợi, bình an và thịnh vượng. Người xưa rồng là sứ giả của “bề trên” giúp con người gửi gắm những ước nguyện để có một cuộc sống bình yên và ấm no. Trong đối đáp cũng lấy rồng để miêu tả bước tiến vượt bậc: Lên như rồng, cá chép hóa rồng, rồng đến nhà tôm…
2. Lân (Kỳ Lân)
Kỳ Lân là loài vật có đầu nửa Rồng nửa thú, nó có sừng nhưng không bao giờ húc ai nên chiếc sừng này biểu hiện cho thiện tâm. Tục truyền rằng, nó là nhân thú (thú có lòng nhân từ) chỉ ăn cỏ và không bao giờ làm hại đến các loài vật khác.
Dân gian quan niệm rằng, mỗi lần Lân đến như luồng vượng khí xua tan tăm tối, xui xẻo của người dân. Vì thế tượng Lân được dùng để trấn giữ nhà cửa chùa chiềng, hóa giải hung khí, nhà mắc ngã ba ngã tư.
Trong Tết trung thu, lễ khai trương…người ta thường thuê các đội múa lân để hóa giải hung khí, thu nạp vượng khí, mong muốn công việc làm ăn kinh doanh trở nên suôn sẻ, gia đạo êm ấm. Kỳ Lân được xem là biểu tượng của điềm lành là vì thế.
Tại chùa chiềng, đền thờ, lăng mộ… Kỳ Lân được làm vật canh giữ cổng để hạn chế tối đa tà khí xâm nhập vào khu thờ tự, linh thiêng.
3. Quy (Rùa)
Trong tứ linh, Quy là loài duy nhất có thật trong tự nhiên. Đây là một loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và khả năng sống trong một thời gian mà không cần tới thức ăn do đó được ví với tinh thần thanh cao, thoát tục. Rùa từ lâu đã gắn liền với văn hóa người Việt thông qua câu chuyện thần Kim Quy giúp vua An Dương Vương, rùa vàng dâng gươm giúp Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược.
Rùa tượng trưng cho sự trường tồn bất diệt, hình ảnh rùa đội bia đá ghi lại sử sách Việt Nam và 82 bia đá ghi tên tiến sĩ đỗ đạt tại Quốc Tử Giám được cho là một cách thể hiện sự tôn kính đối với công ơn của các vị anh hùng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tinh thần văn hiến bất diệt của dân tộc ta. Hàng năm, cứ tới mùa thi tốt nghiệp THPTQG, các sĩ tử tìm đến văn miếu Quốc Tử Giám, xoa đầu rùa để tăng sự bình tĩnh và may mắn khi bước vào cột mốc quan trọng trong cuộc đời.
Tốc độ di chuyển của rùa rất chậm nhưng chắc chắn, tiến phát nào chắc phát đấy nên thường được người có bản tính nóng vội để kìm hãm, tránh đưa ra các quyết định thiếu cân nhắc.
4. Phụng
Bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, được ví là Vua của loài chim, là loài chim đẹp nhất. Ở các nước đồng văn Trung Hoa, Phượng Hoàng là linh vật cao quý sánh ngang với Rồng, tượng trưng cho sắc đẹp, tình cảm và ẩn chứa sức mạnh huyền bí. Do đó, Phượng Hoàng gắn với Hoàng Hậu, phi tần sánh bên Rồng biểu trưng cho Đế Vương.
Rồng. mang dương khí tượng trưng cho Thiên tử, Phượng Hoàng mang âm khí tượng trưng cho Hoàng hậu – Mẫu nghi thiên hạ. Âm Dương hòa hợp tức là Rồng Phượng quấn quýt nhau, là “tấm gương sáng” cho xã tắc. Cũng vì lí do trên mà người xưa xem hai loài vật này là đại diện của tình yêu trường tồn gữa vợ chồng. Do đó trong các đám cưới tại Trung Quốc người ta thương trang trí hình ảnh rồng phượng để cầu chúc hạnh phúc.
Phượng hoàng có ý nghĩa tứ linh vật mang tính tích cực, nó biểu thị cho đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã. Theo truyển thuyết Phượng hoàng xuất hiện trong thời kỳ hòa bình thịnh vượng do đó người ta thường trưng bày hình tượng Phượng hoàng để hiện quyền lực, sức mạnh và cầu thịnh vượng.